Nói đến bảo tàng ai cũng nghĩ là nơi to lớn, uy nghi của cơ quan nhà nước và phải thăm quan có thời điểm, thời gian. Nhưng bảo tàng dân tộc Thái ở Mai Châu là của một gia đình rất đặc biệt ở đây, hãy cùng Homestay 88 bản Lác chúng tôi khám phá nhé.
Bảo tàng ở chỗ nào Mai Châu?
Bảo tàng ở ngay xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình cách thị trấn Mai Châu khoảng 3km bạn đến xóm Mỏ hỏi nhà anh Kiều Văn Kiên, bà con nơi đây không ai mà không biết nhà anh. Mới hơn 40 tuổi anh đã có trong tay hơn 1000 cổ vật quý giá mà anh sưu tầm và anh gây dựng được cả một bảo tàng mini tại chính ngôi nhà của gia đình anh.
Bật mí chủ nhà Kiều Văn Kiên
Sinh năm 1977 tại Thạch Thất Hà Nội anh Kiên vốn là người thích đi phượt, khám phá đó đây. Do vậy, cứ vào những ngày nghỉ, anh thường cùng bạn bè hoặc một mình vác ba lô lên đi và không biết từ bao giờ, vùng đất Mai Châu (Hòa Bình) đã trở nên thân thuộc với anh.
Anh Kiên tình cờ quen và yêu say đắm người con gái Thái Mai Châu tên là Hà Thị Lê. Họ yêu nhau rồi đi đến hôn nhân, tình yêu của họ đẹp như núi rừng Tây Bắc. Yêu vợ, với bản tính đam mê khám phá, anh đã quyết định gắn bó cuộc sống của mình với vùng đất này. Ban ngày đi làm, đêm về anh nhờ vợ dạy tiếng Thái, chữ viết và tìm hiểu cuộc sống, phong tục, tập quán của người dân mình để ứng xử với nhà vợ và sống với bà con hàng xóm cho đúng lễ nghĩa. Không chỉ vậy, anh còn rủ vợ đi vào các bản làng người Thái để học hỏi, tìm hiểu thêm. Từ những chuyến đi đó, văn hóa Thái, cuộc sống của người Thái đã dần “ngấm” vào máu thịt anh lúc nào không hay nữa.
Khám phá bảo tàng dân tộc Thái Mai Châu
Với hơn 1.000 cổ vật mà vợ chồng anh Kiên đã sưu tập được, trong đó quý nhất là ba cuốn gia phả dòng tộc của người Thái cách đây hơn 200 năm. Những cuốn gia phả này đã ố vàng theo thời gian, nhiều chữ trong đó đã dần bị mờ không còn đọc được nữa.
Những cổ vật anh sưu tập được là dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người Thái ngày xưa như: Đèn đất, đèn soi, đèn đi tuần của quan lang thời trước; bộ đồ cúng của thầy mo gồm áo làm phép, trống, chiêng, lịch của thầy mo đi cúng.
Đặc biệt, mới đây anh Kiên còn vô tình tìm thấy một bộ răng voi hóa thạch. Sau khi hay tin, rất nhiều nhà khảo cổ, khoa học đã tìm đến tận nhà để nghiên cứu và xác định bộ răng voi đã có niên đại hơn hai nghìn năm và là một trong những hiện vật quý hiếm.
Trên đây là một chút sơ bộ về bảo tàng dân tộc Thái Mai Châu, nếu các bạn muốn xem chi tiết và có dịp thì lên bản Lác thì hãy cùng chúng tôi đến tận nhà khám phá nhé. Have a good trip!